Dịch vụ sửa chữa tàu biển tại cảng
Trong quá trình vận hành khai thác, rất nhiều nguyên nhân làm cho các con tàu bị hao mòn, hư hỏng cục bộ và xuống cấp theo thời gian. Để tăng tuổi thọ của những con tàu, một vấn đề lớn đặt ra là cần phải sửa chữa. Sửa chữa tàu biển là dịch vụ phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao và đảm bảo thời gian sửa chữa ít nhất, vì đây là vấn đề có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế. Những nhiệm vụ cơ bản của công tác sửa chữa tàu biển là:
– Bảo đảm sự hoạt động bình thường của tàu trong suốt thời gian khai thác, ngăn ngừa hư hại thiết bị và vỏ tàu.
– Bảo đảm thời gian sửa chữa nhanh chóng.
– Trang bị lại và cải tiến tính năng khai thác của tàu, kéo dài tuổi thọ của chúng.
Trên cơ sở các nhiệm vụ đặt ra, Công tác sửa chữa có thể phân thành 4 hình thức sau:
– Bảo dưỡng: Là hình thức sửa chữa thấp nhất, được tiến hành một phần trong lúc vận hành, một phần ở cảng. Công việc chủ yếu là lau chùi, kiểm tra các thiết bị máy móc và sơn phần vỏ tàu trên mặt nước.
– Tiểu tu (sửa chữa nhỏ): Công tác này được tiến hành theo định kỳ hàng năm. Nhiệm vụ chủ yếu là sửa chữa những hư hỏng được phát hiện trong lúc bảo dưỡng mà do thiếu thiết bị nên chưa sửa chữa được, cạo gỉ và quét sơn phần dưới nước của thân tàu.
– Trung tu (sửa chữa vừa): là hình thức sửa chữa vừa, được tiến hành từ 2 – 3 lần giữa 2 kỳ đại tu. Các công việc bao gồm phần việc của công tác tiểu tu năm đó và còn tiến hành sửa chữa hoặc thay thế một số cá biệt các thiết bị không còn khả năng làm việc bình thường, đồng thời tiến hành sửa chữa, thay thế một số cấu kiện vỏ tàu. Mục đích là duy trì sự khai thác bình thường của con tàu trong khoảng thời gian giữa hai kì trung tu, đại tu.
– Đại tu (sửa chữa lớn): Nhiệm vụ của công tác này là sửa chữa thân tàu, thiết bị và máy móc một cách triệt để, nhằm khôi phục lại trạng thái kỹ thuật ban đầu. Thời gian giữa 2 kì đại tu thường là 9 – 12 năm.